Món ăn Sóc Trăng – Dân dã nhưng vẫn làm hút hồn người lữ khách

Bạn đến Sóc Trăng du ngoạn, thưởng thức cảnh đẹp và những món ăn ngon mà chưa biết ăn gì? Bạn nghe nói Sóc Trăng có nền ẩm thực giao thoa giữa ba dân tộc nhưng không biết những món ăn ấy như thế nào? Vậy hãy tham khảo những món ăn Sóc Trăng dưới đây để đừng bỏ lỡ bất kỳ món ăn nào ở vùng đất này.

Bún nước lèo

Bún nước lèo là món ăn nổi tiếng ở Sóc Trăng nhờ sự kết hợp trong cách dùng nguyên liệu khiến hương vị không giống bất kỳ miền đất nào. Người ta gọi bún nước lèo Sóc Trăng là món ăn đoàn kết, bởi món ăn là sự kết hợp tinh hoa của dân tộc Kinh – Khmer – Hoa, thể hiện ở mỗi thành phần món ăn là đặc trưng của 3 dân tộc.

Nước lèo có hương vị của dừa, sả và mắm (theo đúng truyền thống là mắm prô hốc), thịt heo quay của người Hoa và bún, cá, rau… của người Kinh. Từng món ăn riêng lẻ đã được kết hợp với nhau một cách hài hòa.

Tô bún nước lèo với sự kết hợp hết sức hài hòa

Bún gỏi dà

Ai nghe tên “Bún gỏi dà” sẽ thấy rất lạ tai, đây là món ăn xuất phát từ gỏi cuốn. Bún gỏi dà vô cùng ngon mắt với các các nguyên liệu chính như các thành phần trong món gỏi cuốn: bún tươi, rau sống, giá đỗ, thịt ba rọi, tôm đỏ au, đậu phộng, tương xay và thêm một số phụ liệu khác như sườn non, nước dùng.

Bún gỏi dà với những nguyên liệu hết sức dân dã

Bún vịt nấu tiêu

Bún vịt nấu tiêu thoạt nhìn giống mì vịt tiềm nhưng đặc biệt hơn là món này được nấu từ hột tiêu, xương và nước dừa tươi. Bún thường được ăn kèm với các loại rau sống như giá, rau muống bào, quế,… Đặc biệt, với phần bún trơn trơn, rau sực sực, nước dùng đậm đà, đây sẽ là một món ăn Sóc Trăng chinh phục bất kỳ thực khách khó tính nào.

Bún vịt nấu tiêu có sắc màu vô cùng hấp dẫn

Hủ tiếu cà ri

Hủ tiếu cà ri là món ăn đặc trưng của người dân Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Sợi hủ tiếp nhỏ, có độ dai vừa phải, thường ăn cùng thịt vịt xiêm chứ không phải thịt gà hay vịt, kết hợp với rau quế và cà rốt. Nước cà ri có màu vàng nghệ như những nơi khác, vị thơm dịu, được nêm nếm vừa phải nên đậm đà mà không ngán.

Tô hủ tiếu cà ri được nêm nếm hết sức tinh tế

Cháo cá lóc rau đắng

Một món ăn bình dị mà nổi tiếng của Sóc Trăng, đó là món cháo cá lóc với rau đắng. Một tô cháo cá lóc đầy đủ gồm đa dạng nguyên liệu như cá lóc, tương hột, nấm rơm, gừng hành, mắm muối và rau đắng. Hương vi của tô cháo nóng hổi, vị đắng của rau và miếng cá lóc ngọt béo chấm nước mắm dân dẫn chắc chắn sẽ khiến bạn khó lòng quên được.

Cháo cá lóc rau đắng là món ăn đặc sản vô cùng hấp dẫn ở Sóc Trăng

Bò nướng ngói

Bò nướng ngói (nướng xẻng) được xem là một đặc sản của Sóc Trăng, bò được nướng trên miếng ngói làm bằng kim loại như cái xẻng trắng sáng. Muốn thưởng thức món bò nướng ngói trứ danh phải đến Mỹ Xuyên để thưởng thức.

Món bò nướng ngói ở Sóc Trăng không phải là món ăn mới lạ nhưng nó luôn hấp dẫn du khách thập phương mỗi lần ghé Sóc Trăng tham quan du lịch. Ngày nay, nó đã trở thành một món ăn đặc sản của Sóc Trăng nói riêng mà các tỉnh miền Tây nói chung.

Bò nướng ngói luôn được du khách lựa chọn mỗi khi ghé thăm Sóc Trăng

Bánh cống

Bánh cống là một món ăn đặc sản của người dân tộc Khmer sống ở tỉnh Sóc Trăng, Nam bộ. Đến Sóc Trăng mà chưa thưởng thức bánh cống thì quả là còn thiếu sót cho chuyến đi. Mà muốn ăn bánh cống đúng điệu phải ăn tại khu vực chợ thuộc xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên).

Bánh cống có hình như một cái chén, kích cỡ nhỏ. Vì bánh được chiên ngập dầu nên vỏ bánh có màu vàng sẫm, vỏ ngoài giòn rụm, bên trên đặt 1 con tôm đỏ tươi hấp dẫn.

Bánh cống thường phải ăn với nước mắm được pha với bí quyết riêng thì mới cảm nhận được hết cái tinh túy của bánh

Bánh pía Sóc Trăng

Bánh bía gồm 2 phần, phần nhân và vỏ. Bánh có mùi sầu riêng đặc trưng, từng lớp bánh mỏng bao bọc lấy phần nhân đậu xanh ngọt, dẻo. Khi cho miếng bánh pía vào miệng lập tức cảm nhận ngay hương vị rất đặc trưng với nhân sầu riêng, vị béo của trứng muối kết hợp cùng đậu xanh, tất cả hòa quyện tan chảy từ từ trong miệng.

Bánh pía là món ăn Sóc Trăng hết sức độc đáo. Thưởng thức vài chiếc bánh cùng với ngụm trà gừng, buôn đôi ba câu chuyện lại thêm ấm lòng du khách. Và thật đáng tiếc cho ai đến nơi đây bỏ qua dịp được nếm thử những chiếc bánh nhỏ nhắn mà thơm lâu này.

Bánh pía có thể lột ra từng miếng nên còn được gọi là bánh lột da

Bánh ống

Nếu ai đã một lần đến với Sóc Trăng đều sẽ bị cuốn hút bởi màu xanh bắt mắt của chiếc bánh ống lá dứa. Đây là loại bánh được ví von là món bánh “thủy chung” của người Khmer ở Sóc Trăng.

Chiếc bánh có hình ống trụ tròn hết sức xinh xắn, thơm lừng mùi dừa và lá dứa. Bánh ngọt vừa phải, có độ dẻo mềm nên ăn nhiều cũng không thấy ngán.

Sắc xanh dịu mắt của bánh ống

Bánh in

Bánh in có hình tròn màu trắng, bánh được dùng nhiều nhất vào dịp rằm tháng 8 và Lễ hội Ooc – Om – Boc hàng năm tại Sóc Trăng, để cúng tạ ơn Mặt Trăng đã ban cho con người sức mạnh, mùa màng tươi tốt. Bánh được làm từ nguyên liệu chính: gạo nếp, đường cát, nước cốt dừa.

Bánh của mùi thơm của nếp mới, vị béo của nước cốt dừa hòa lẫn với vị ngọt của đường, khi thưởng thức cùng với ly trà nóng thì còn gì bằng.

Bánh in không chỉ có giá trị ẩm thực, mà còn mang cả giá trị văn hóa

Mè láo

Mè láo là một món đặc sản của người Hoa tại miền đất Sóc Trăng. Bánh cực xốp, giòn tan và thơm, lớp mạch nha bao phủ bên ngoài ngon ngọt cùng hương thơm của mè sẽ làm bạn thích thú hơn khi ăn.

Đến Sóc Trăng thưởng thức món mè láo độc đáo

Bánh gừng

Bánh gừng là loại bánh truyền thống của dân tộc Khmer Nam bộ, được làm vào dịp lễ tết cổ truyền của đồng bào Khmer như: Tết Chol- Chnam -Thmay, lễ Dolta,… hay đám hỏi, đám cưới. Bánh được trưng trên bàn thờ tổ tiên, với ý nghĩa nhớ đến sự cực khổ của ông bà ngày xưa đã làm ra hạt lúa, hạt nếp cho con cháu ngày nay.

Qua hình thù bánh gừng ta có thể hình dung ra đó có thể là một nhánh san hô hay một chiếc gạc nai tùy theo cảm nhận của mỗi người.

Bánh gừng Sóc Trăng có hình củ gừng lạ mắt

Bánh dứa (Bánh rây)

Bánh dứa là một trong những món bánh truyền thống của người Khmer. Bánh có lớp vỏ ngoài bằng gạo xay rang thơm phức và phần nhân dừa kết hợp đậu phộng thơm bùi đầy hấp dẫn.

Bánh rây có vị beo béo

Bánh xèo

Bánh xèo – món ăn gần gũi với người dân Nam bộ. Bánh xèo là một món bánh công phu và phải mất nhiều công đoạn cũng như thời gian để cho ra những chiếc bánh ngon lành. Một thứ không thể thiếu góp phần tạo nên sự hấp dẫn khi dùng bánh xèo là nước chấm chua ngọt, chế biến từ đường, chanh, ớt, tỏi và củ cải đỏ thái sợi, được pha chế thật vừa ăn.

Bánh xèo có lớp vỏ ngoài bắt mắt

Khô trâu Thạnh Trị

Một ăn vô cùng hấp dẫn bổ dưỡng hơn nửa thịt trâu có vị mát, nhiều đạm. Khô trâu Thạnh Trị được chế biến theo kiểu cổ truyền, thịt trâu bắp được lát thành những miếng mỏng lớn hơn bàn tay, tiếp theo là ướp gia vị vào gồm sả băm, muối, tỏi, ớt,… khoảng nửa ngày cho ngấm. Sau đó đem phơi nắng hoặc sấy trong lò. Khô thành phẩm sẽ là những miếng khô thật mỏng, thơm lừng vị xả và mùi thịt trâu đặc trưng.

Khô trâu Thạnh Trị là một món ăn đặc sắc không thể không thử

Xá bấu Vĩnh Châu

Xá bấu hay còn gọi là củ cải muối ở huyện Vĩnh Châu – Sóc Trăng vốn là món ăn truyền thống của người Hoa. Nhưng có lẽ, thời gian dài cộng cư, nét văn hóa ẩm thực này đang chiếm dần tình cảm của cả người Khmer và người Kinh

Xá bấu ngọt là món ăn Sóc Trăng rất quen thuộc và được thực khách dùng kèm với cháo trắng, khi ăn cảm giác giòn, mặn ngọt vừa phải, hơi cay nồng thơm muồi củ cải trắng… làm cho người thưởng thức cảm giác rất ngon. Hiện nay, đã có nhiều nhà hàng làm món “xá bấu ngọt chiên trứng, hành củ” với hương vị cũng khá đặc biệt.

Xá bấu là một món ăn truyền thống của người Hoa

Mì sụa

Mì sụa là món ăn truyền thống của cộng đồng người Hoa tại Sóc Trăng. Mì sụa được chế biến bằng nguyên liệu chính là đậu nành, nên cọng mì có màu vàng óng, thường to hơn so với các loại mì khác. Mì sụa có hai loại: Loại mặn và loại không mặn.

Mì sụa thường được dùng trong các bữa điểm tâm sáng.

Canh chua cá bông lau vùng sông Hồng

Từ lâu, các món chế biến từ cá bông lau – một trong những loài cá đặc sản vùng sông Hậu, đã tạo nên phong vị ẩm thực rất riêng tại các nhà hàng, quán ăn ở Sóc Trăng. Thịt cá bông lau trắng, thơm ngon, không tanh, lại lành nên được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Đặc biệt, cá bông lau nấu canh chua là một món thơm ngon giải nhiệt, bổ dưỡng, được nhiều người ưa chuộng, nhất là trong mùa hè.

Canh chua cá bông lau vùng sông Hậu là một món thơm ngon giải nhiệt

Cá bống sao

Cá bống sao là món ăn đặc sản ở cù lao Dung – Sóc Trăng. Đây là món ăn dân dã hàng ngày, mang đậm nét đặc trưng văn hóa của người dân Nam Bộ. Cá bống sao có lấm tấm những chấm trắng li ti như những ngôi sao, thịt cá màu hồng, săn chắc rất ngon.

Món được chế biến từ loại cá này được nhiều người ưa thích nhất là kho tiêu, kho khô hay “kho chồn”. Ngoài các gia vị thường dùng thì hai loại gia vị không thể thiếu khi kho cá là sả, ớt để khử mùi tanh, đồng thời tạo mùi thơm và tăng cường độ ngon của cá.

Cá bống sao là món ăn đặc sản ở cù lao Dung – Sóc Trăng

Lạp xưởng Vũng Thơm

Lạp xưởng Vũng Thơm có nguồn gốc từ người Hoa nhưng bao năm nay đã thành đặc sản quen thuộc của Sóc Trăng, nơi đây được coi là quê hương của món đặc sản này. Hiện tại tại đây có cả những làng nghề lạp xưởng tôm nổi tiếng khắp cả nước. Lạp xưởng tôm có vị lạ, thơm ngon, béo ngậy… Món này dễ chế biến, thích hợp cho những bữa cơm thường ngày, từ nhà hàng tới quán nhậu hay cả trong dịp Lễ Tết.

Vũng Thơm có rất nhiều loại lạp xưởng khác nhau phù hợp với vị giác của từng người

Vú sữa tím Đại Tâm

Ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên từ lâu nổi tiếng với loại vú sữa tím vì có vị ngọt thanh, hạt nhỏ, vỏ mỏng, khi chín vỏ trái màu tím than, căng mọng rất đẹp mắt.

Vú sữa tím Đại Tâm mang sắc tím rất đẹp mắt

Bưởi năm roi Kế Thành

Huyện Kế Sách tỉnh Sóc Trăng có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, có nhiều cù lao, cồn bãi được phù sa sông Hậu bồi đắp nên có lợi thế để phát triển vườn cây ăn trái với nhiều loại khác nhau. Mà nổi tiếng trong số đó là bưởi năm roi.

Với đặc điểm có vỏ mỏng, màu trái vàng óng, sáng đẹp, có vị ngọt rất đậm đà, ăn không the, không hạt lúc chín, nên bưởi Kế Thành rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

Vườn bưởi sai trĩu quả

Sóc Trăng có nền ẩm thực cực kỳ phong phú và đa dạng do sự giao thoa giữa ba dân tộc Kinh – Hoa – Khmer. Nếu đã một lần đến thăm mảnh đất trù phú này, thì hãy một lần thử ăn món ăn Sóc Trăng, bởi bạn sẽ có một trải nghiệm khó mà phai mờ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *